Mù lòa, nên thi thoảng ông Vy lại nhờ người nhà đọc lại những lá thư của các cháu học trò cho ông nghe - Ảnh: Q.Nam |
“Cảm ơn bác”, đó là câu mở đầu trong bức thư của cô học trò tên Nguyễn Thủy Tiên.
Những dòng thư an ủi
“Cháu cảm ơn bác vì đã làm nên một công trình vĩ đại cứu sống cả ngàn người. Cháu cũng thấy nghèn nghẹn vì sự lãng quên của nhiều người đối với bác. Dù tên tuổi bác không được khắc lên công trình địa đạo, nhưng cháu vẫn tin nó ở trong lòng mọi người”.
Cũng như Thủy Tiên, em Nguyễn Ngọc Tuyền thán phục: “Với điều kiện và trình độ thời điểm đó mà ông làm nên một địa đạo ba tầng kiên cố là cả một sự sáng tạo kỳ diệu”.
Qua những dòng thư, những cô cậu học trò cũng rất ngạc nhiên khi biết ông Lê Xuân Vy bị “lãng quên”.
Trong xấp thư mấy chục lá của những học trò gửi đến ông, có lá thư của cô Hoàng Thị Thu Hiền (cô giáo dạy văn của lớp 12 chuyên văn Trường chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM). Cô Hiền cho biết ngay buổi sáng khi báo ra cô đã nghĩ đến việc đưa tờ báo tới lớp đọc cho cả lớp nghe.
“Thưa bác, cháu rất xúc động khi đọc bài viết về bác trên báo Tuổi Trẻ. Và cháu đã đọc bài viết ấy cho học trò của cháu nghe trong giờ dạy như là một tấm gương về người anh hùng với những cống hiến thầm lặng và đầy cao cả cho đất nước”.
Cô Hiền kể đã từng biết đến địa đạo Vịnh Mốc huyền thoại, nhưng phải đến bây giờ cô mới biết về người đã thiết kế ra nó.
Ngôi nhà của ký ức
Ông Nguyễn Lương Hiệu - nhà thơ, nhà nhiếp ảnh ở TP.HCM - cho biết đã đề xuất với ông Nguyễn Công Lý, chủ tịch hội đồng quản trị Công Thanh Group, để xây dựng một công trình của ký ức ngay tại ngôi nhà ông Vy đang ở.
Nghe xong đề xuất, ông Lý đã thay mặt Công Thanh Group duyệt chi 150 triệu đồng để ông Hiệu thực hiện ý tưởng.
Ngôi nhà này ông Hiệu sẽ nhờ kiến trúc sư thiết kế vừa đủ để ông Vy có thể sống, vừa có những biểu tượng gắn liền với công trình địa đạo Vịnh Mốc từng làm nên tên tuổi của ông Vy như chiếc xe cút kít, cuốc, xẻng, la bàn...
“Tôi chỉ muốn sau này bất cứ ai đi qua ngôi nhà đều biết đây là ngôi nhà của người đã từng thiết kế nên địa đạo Vịnh Mốc huyền thoại. Đã từng có một thời như thế, một con người như thế” - ông Hiệu chia sẻ.
Ông Hiệu cũng trao đổi trực tiếp với ông Lê Xuân Vy về ý tưởng này. Khỏi phải nói ông Vy vui đến nhường nào. Các con ông Vy cũng hăng hái xin được tham gia góp thêm ít vốn với ông Hiệu để thực hiện ý tưởng trên.
“Tôi chỉ biết đến ba tôi cũng như công trình địa đạo Vịnh Mốc qua những câu chuyện chắp nối ông kể ngày nhỏ. Sau này nếu ba tôi mất rồi thì chính công trình này sẽ kể cho con cháu của tôi nghe về ông” - anh Hòa, con út ông Vy, nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận